Có Thời Hạn (有期) - Chiếu Thành - Chương 6: Trả ơn
Hứa Hân hít sâu, tự trấn an bản thân không được hoảng, trước tiên cứ viết đã rồi nghĩ.
Sau khi nắn nót viết xuống một từ “Giải”, Hứa Hân cúi đầu đọc kỹ lại đề bài.
Trong sách bài tập của Sầm Bắc Đình vẫn để trống phần ghi đáp án.Trên hình minh họa có bốn tam giác lồng vào nhau, một đường kẻ phụ được vẽ bằng bút chì ở giữa khung hình, so với mực in trên sách, đường kẻ này đậm hơn rất nhiều. Hai điểm A và F được nối lại với nhau, rồi lại vẽ một góc vuông từ hai đường trung trực, chỗ góc phải của trang sách còn viết số 1,5 xiêu xiêu vẹo vẹo. Không biết đó là cậu lỡ bút viết lên hay là đáp án thật. Nhưng theo lý thuyết, với một đề bài khó như vậy thật sự không có khả năng không cần viết phép tính mà chỉ cần nhìn đề là ra kết quả.
Hứa Hân phân tích từng dữ liệu của đề bài, đề này thật sự rất lạ, từ trước đến nay cô chưa từng thấy dạng hình này, cô suy ngẫm trong chốc lát cũng không nghĩ ra phương pháp nào, vì vậy liền dứt khoát làm theo Sầm Bắc Đình, vẽ một đường kẻ phụ lên hình.
Sau khi vẽ xong, Hứa Hân phát hiện hai điểm A và F là các điểm liên tiếp, đoạn thẳng này chính là đường trung trực, xoay một vòng đường kẻ này sẽ tạo thành góc vuông, như vậy có thể lập tức tính ra diện tích vùng bôi đen.
Hứa Hân cầm viên phấn lên, đầu óc nhanh chóng suy nghĩ theo hướng giải của Sầm Bắc Đình, vẽ ra đường kẻ phụ, liệt kê các công thức tính, từng bước áp con số vào bài làm, không ngờ tới cuối cùng có thể thuận lợi giải ra được đáp án.
Sau khi làm rất nhiều phép tính cùng các công thức biến đổi, cuối cùng Hứa Hân tính ra một kết quả, vậy mà lại chính là con số Sầm Bắc Đình tùy tay viết ở góc phải sách ban nãy —- “1,5”.
Cô đặt viên phấn xuống, vừa ngẩng đầu lên đã thấy thầy Từ đứng bên cạnh gật đầu hài lòng, các bạn học dưới lớp cũng tỏ ra đầy khâm phục.
“Bốp bốp bốp”. Ngoài hành lang, Sầm Bắc Đình đang ghé vào khung cửa sổ bỗng nhiên vỗ tay, sau đó trong lớp cũng lần lượt vang lên âm thanh hưởng ứng.
Hứa Hân xấu hổ không biết để tay ở đâu, nhưng giải xong một đề toán khó quả thật giống như vừa đi đánh trận trở về.
Cô nhanh chóng bước xuống bục giảng quay về chỗ của mình.
“Đề này quả thực tương đối khó”. Thầy Từ đứng trên bục giảng bắt đầu giải thích: “Trước tiên chúng ta hãy xem qua hai câu hỏi nhỏ. Nói chung, khi các em gặp phải dạng đề này cũng đừng luống cuống. Thông thường dạng bài này sẽ có ba câu hỏi, câu đầu tiên tương đối dễ, chỉ là kiến thức ở mức độ cơ bản, đến câu thứ hai và thứ ba độ khó mới bắt đầu tăng dần lên. Được rồi, chúng ta nhìn câu hỏi đầu tiên. Không có gì quá khó, chỉ là câu hỏi về mặt phẳng cắt ngang.
Sau đó, thầy Từ lướt qua câu hỏi còn lại, nhanh chóng đi tới đề bài Hứa Hân giải trên bảng: “Câu hỏi cuối cùng thường tương đối khó. Đối với câu hỏi dạng nâng cao mức 8 điểm này các em có thể làm hoặc không, vì ngay cả khi các em không làm được câu 8 điểm này, nếu các bài trước đó đã chắc chắn đúng, các em vẫn có thể đạt 142 điểm. Cho nên các em phải cân nhắc kỹ, đừng chỉ tập trung giải câu hỏi cuối, vẫn nên dùng thời gian xem kỹ lại đáp án các câu trước, nắm chắc điểm của phần đề mình có thể làm được. Được rồi, bây giờ chúng ta cùng xem bài làm của bạn học Hứa Hân.