Chẳng Cháy Hết (Thiêu Bất Tận) - Chương 22: Lý trí đã chết
“Cho nên có câu, các triết gia đều sống trên cung trăng.”
—
Thương Mục Kiêu hoàn toàn không coi mình là người ngoài, chọn một chai vang đỏ Penfolds từ tủ rượu, thành thạo mở nắp chai, lại lấy ra hai thêm hai cái ly nữa.
“Hôm nay trăng tròn nè, thầy chỉ em ngắm trăng đi.” Rót rượu vào chiếc ly chân cao, cậu ta đưa cho tôi một ly, rồi cầm một ly đi về phía ban công phòng khách.
Nhìn chằm chằm bóng lưng cậu ta, tôi nhấp một ngụm rượu trong ly, hương nho nồng nàn quyện với mùi rượu nhanh chóng chiếm trọn khoang miệng, để lại chua nhẹ và độ cay thích hợp nơi đầu lưỡi.
Nếu là trước kia, tôi nhất định sẽ dành thời gian để nhấm nháp ly rượu này, cảm nhận trải nghiệm tuyệt vời của vị tannin(*) tràn trên đầu lưỡi, không bao giờ phụ lòng công sức của những người làm rượu. Nhưng bây giờ tôi lại không hề có tâm trạng để từ từ nếm rượu, chỉ muốn nhanh chóng kết thúc mọi chuyện đêm nay.
(*) Tannin là hợp chất hữu cơ vị đắng, có nhiều trong trà, cà phê và rượu vang.
Vì sao tôi lại đưa cậu ta về nhà?
Mang theo câu hỏi không có lời giải đáp, tôi ngửa đầu một hơi uống hết rượu trong ly, đặt ly rỗng lên quầy bar, điều khiển xe lăn đi về phía Thương Mục Kiêu.
“Đứng sang một bên đợi đi, chỉnh xong tôi gọi cậu lại.” Tôi đuổi cậu ta sang một bên, bật kính thiên văn bắt đầu hiệu chỉnh góc độ.
Lúc tôi điều chỉnh, Thương Mục Kiêu yên lặng khoanh tay dựa vào một bên, đảo đảo ly rượu, không nói gì. Khi đã xong, tôi tránh ra, vẫy tay gọi cậu ta lại.
“Nhanh thế à.” Cậu ta đặt ly rượu xuống bàn cà phê rồi lại tiến đến.
Tôi nói với cậu ta tên và chức năng của các bộ phận khác nhau trên kính thiên văn, rồi đưa cho cậu ta bộ điều khiển tay, để tự cậu ta xem.
Cậu ta cúi xuống, cẩn thận áp sát vào thị kính, lúc thấy rõ được hình ảnh hiện ra trong kính viễn vọng, cậu ta không nhịn được phải thốt lên.
“Sao xấu quá vậy.”
Từ xưa đến nay, mặt trăng đã mang bao tưởng tượng đẹp đẽ của con người, từ cung trăng, chị Hằng thỏ ngọc, hay trong những câu thơ cổ cũng toàn miêu tả nó long lanh như ngọc đẹp. Nhưng trên thực tế nó không phải là một tấm ngọc sáng, cũng không có tiên nữ xinh đẹp trên đó, nó chỉ có một mảng xám xịt, bề mặt gập ghềnh với vô số hố thiên thạch.
“Mặt trăng không có lớp đệm khí quyển. Bất kỳ vật chất nào va vào nó sẽ để lại những dấu vết rõ ràng trên bề mặt, và vì không có không khí hay gió nên rất khó phong hóa, khiến những vết này cứ tồn tại mãi năm này qua tháng nọ. Từng cái lỗ nhỏ câu thấy có thể đã tồn tại hơi hàng trăm triệu năm rồi.”
Việc nhìn thấy những dấu vết cổ xưa này chỉ bằng mắt thường đối với tôi là một trải nghiệm vô cùng quý giá, nhưng Thương Mục Kiêu lại có hơi không cảm nhận được.
“Thầy thấy thú vị khi quan sát mấy cái hố này?”
“Những cái hố này đều có tên.” Tôi nói, “Ở hướng Bắc cậu có thấy một cái bóng dài hẹp không, đó là Mare Frigoris. Bên dưới là một vùng dài và hẹp, cái hố ở giữa được gọi là hố Plato, còn nằm một chút về phía đông là hố Aristotle, còn cái bóng lớn bên dưới Aristotle là Mare Serenitatis, băng qua nó thì đến cao nguyên Descartes.”